Đinh Lăng Là Gì?

Củ đinh lăng ngâm

Đinh lăng không chỉ là một loại cây được trồng làm cảnh mà còn được sử dụng để làm nhiều phương thuốc chữa bệnh. Trong các bộ phận của cây đinh lăng, củ đinh lăng chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe và nhiều công dụng chữa bệnh khác nhau. Người ta thường sử dụng củ đinh lăng bằng cách ngâm. Vậy củ đinh lăng ngâm với gì thì tốt?

Củ đinh lăng ngâm
Củ đinh lăng ngâm gì thì tốt? (Ảnh: Internet)

Y học cổ truyền sử dụng các phương thuốc từ các loại thảo mộc để chữa bệnh mặc dù mang đến kết quả trị liệu chậm hơn các phương thuốc tây y nhưng lại ít có tác dụng phụ cho cơ thể. Vì vậy, người Việt nói riêng và người Châu Á nói chung đến nay vẫn rất ưa chuộng các phương pháp chữa bệnh từ thảo mộc. Một trong những loại thảo mộc phổ biến được nhiều người sử dụng là đinh lăng. Hãy cùng tìm hiểu đinh lăng và tác dụng của đinh lăng nhé!

Danh mục bài viết

Đinh lăng là cây gì?

Đinh lăng hay còn được gọi là cây gỏi cá, nam dương sâm, tên khoa học là Polyscias fruticosa (L.) Harms (Panax fruticosum L, Nothopanax fruticosum (L) Miq., Tieghentopanax fruiticosus (L.) R. Vig. Cây đinh lăng thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae)

Cây đinh lăng được gọi là cây gỏi cá vì người dân thường sử dụng lá để ăn cùng gỏi cá. Đây là một loại thực vật thân nhỏ, vỏ nhẵn, không có gai, chiều cao khoảng 0.8 – 1.5m. Hoa đinh lăng thường nở thành từng chùm và có nhiều hoa nhỏ. Đinh lăng được trồng nhiều ở nước ta, miền nam Trung Quốc và Lào. Các bộ phận của cây đinh lăng đều có thể sử dụng ăn hoặc làm thuốc nhưng phần rễ là quý nhất vì có nhiều tác dụng hơn cả. Rễ cây đinh lăng càng to, tuổi thọ càng lâu năm thì tác dụng đối với sức khỏe càng tốt.

cây đinh lăng
Đinh lăng được trồng phổ biến tại Việt Nam (Ảnh: Internet)

Phân loại đinh lăng

Đinh lăng có khoảng 150 loài, trong đó phổ biến nhất là đinh lăng lá nhỏ (đinh lăng sâm Nam Dương) và đinh lăng lá to. Tại Việt Nam có khoảng 7 – 8 loại đinh lăng. Dưới đây là một số loại đinh lăng thường gặp, bạn có thể tìm hiểu để phân loại:

Đinh lăng lá nhỏ – sâm Nam Dương

Đinh lăng lá nhỏ thường được gọi tắt là cây đinh lăng vì chúng là loại phổ biến nhất tại Việt Nam. Đinh lăng lá nhỏ là loại đinh lăng nếp, lá nhỏ và nhiều nhánh, có hình dạng giống với lông chim, có hoa, thân nhẵn và chiều cao từ 80cm – 2m nếu được chăm sóc tốt.

Loại đinh lăng này thường sử dụng để làm cảnh, lấy lá ăn sống cùng gỏi cá, bánh xèo và các món có kết hợp rau sống. Rễ đinh lăng nhỏ được ví như một loại nhân sâm của người nghèo vì khi nấu thuốc hoặc ngâm rượu thuốc rất bổ, có tác dụng kéo dài tuổi thọ.

Đinh lăng lá to

Gọi là đinh lăng lá to vì lá nó tương đối to. Loại đinh lăng này khá hiếm gặp, lá to và dày hơn so với đinh lăng lá nhỏ.

Đinh lăng đĩa

Cây đinh lăng đĩa có dáng lá to tròn như một chiếc đĩa, hình dáng lá khác hoàn toàn với hai loại trên nên rất dễ dàng nhận biết.

Đinh lăng lá răng

Gọi là đinh lăng lá răng vì quanh lá có nhiều răng cưa. Loại đinh lăng này thường được trồng để làm cây cảnh.

Đinh lăng lá tròn

Đinh lăng lá tròn hay còn được gọi là đinh lăng vỏ hến. Loại đinh lăng này có dáng lá tròn, xen kẽ màu xanh và màu trắng rất hài hòa và đẹo mắt nên thường sử dụng để làm cây cảnh.

Đinh lăng lá vằn

Đinh lăng lá vằn có lá hình dạng như cánh hoa và rất hiếm gặp nên được nhiều người săn tìm làm cây cảnh đặt trong nhà, trong vườn.

Đinh lăng mép lá bạc

Đinh lăng viền bạc là phần lá được viền xung quanh bởi một màu bạc rất độc đáo, dáng lá cũng rất đẹp nên được ưa chuộng trong các loại đinh lăng bonsai.

Đinh lăng có tác dụng gì?

Nếu trước đây đinh lăng thường được trồng để làm cây cảnh, ăn rau sống thì ngày nay sau khi các nhà khoa học công bố về công dụng trị bệnh của cây đinh lăng, nhiều người đã bắt đầu trồng đinh lăng trong nhà để sử dụng khi cần thiết.

  • Sử dụng rễ hoặc lá cây đinh lăng có thể làm thuốc bổ, giúp tăng cân trên người và động vật.
  • Đinh lăng có chức năng tăng cường hiệu quả điều trị bệnh sốt rét nghiêm trọng trên động vật.
  • Đinh lăng giúp tăng co bóp tử cung và tăng tiết niệu.
  • Uống nước lá đinh lăng hoặc rễ đinh lăng có tác dụng an thần, thanh lọc độc tố.
  • Đinh lăng giúp điều hòa nội tiết tố estrogen ở phụ nữ để làn da khỏe mạnh và kinh nguyệt đều đặn.
  • Bên cạnh đó, uống nước sắc của đinh lăng có thể giúp bạn tăng cường chức năng kháng trùng roi và một loại loại vi khuẩn khác xâm nhập vào cơ thể.
  • Rễ đinh lăng có vị ngọt, tính bình giúp bổ tạng, tiêu thực, tiêu xưng viêm, giải độc, bổ huyết, tăng sữa ở phụ nữ đang cho con bú.
  • Đinh lăng có thể dùng làm thuốc chữa ho, đau tử cung, bệnh kiết lỵ và làm thuốc lợi tiểu, cảm sốt, sưng tấy, sưng vú, dị ứng, vết thương (giã, đắp), thấp khớp, đau lưng…

Củ đinh lăng
Củ đinh lăng được xem là nhân sâm của người nghèo (Ảnh: Internet)

Củ đinh lăng ngâm với gì tốt?

So với lá thì củ (rễ) đinh lăng có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe hơn. Vì vậy, trong dân gian thường sử dụng phương pháp ngâm củ đinh lăng để chiết xuất dưỡng chất chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Vậy củ đinh lăng ngâm với gì tốt?

Theo các chuyên gia, rượu, mật ong là hai loại nguyên liệu sử dụng để ngâm củ đinh lăng tốt nhất. Đối với rượu ngâm đinh lăng, bạn nên sử dụng loại rượu trắng nguyên chất, nồng độ cồn từ 40 – 45 độ. Nếu có thể thì bạn nên sử dụng rượu nếp. Sử dụng loại rượu theo chia sẻ trên không chỉ tăng màu sắc của nước rượu đồng thời giúp dưỡng chất từ củ đinh lăng chiết xuất hiệu quả hơn. Nếu bạn sử dụng rượu nhẹ thì màu sắc rượu không đẹp, màu nhạt hơn. Tuy nhiên, bạn cũng lưu ý rằng không sử dụng rượu có nồng độ cồn vượt qúa 45 độ sẽ khiến rượu bị thâm và giảm chất lượng rượu.

rượu nếp ngâm củ đinh lăng
Sử dụng rượu nếp 40 – 45 độ để ngâm củ đinh lăng (Ảnh: Internet)

Để chọn bình ngâm rượu, bạn nên chọn bình thủy tinh, không sử dụng bình nhựa không tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, bạn nên chọn loại bình ngâm rượu có miệng cao su hoặc nút bịt kín để đảm bảo không khí không xâm nhập vào làm oxy hóa rượu. Nếu bình ngâm rượu có vòi rót rượu thì càng tốt.

Nếu bạn chọn mật ong để ngâm củ đinh lăng, bạn nên chọn loại mật ong rừng nguyên chất để đảm bảo tác dụng chữa bệnh. Mật ong sau khi ngâm củ đinh lăng, bạn không chỉ uống mật ong mà còn có thể ăn cả củ đinh lăng, hương vị thơm ngon của thảo dược có khiến nhiều người yêu thích.

Như vậy là bạn đã biết củ đinh lăng ngâm gì thì tốt? Tùy vào mục đích sử dụng, bạn tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn cách ngâm củ đinh lăng phù hợp nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *