Bạn thường nghe nhiều về Thổ Công, trong mỗi gia đình cũng thờ cúng Thổ Công nhưng lại không hiểu rõ Thổ Công là gì? Cách thờ cúng Thổ Công như thế nào cho linh thiêng nhất. Để giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về Thổ Công, Gốm Sứ Bát Tràng Đoàn Quang chia sẻ bài viết về các thông tin liên quan đến vị thần này. Chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy hứng thú khi xem.
Thổ Công là gì? (Ảnh: Internet)
Danh mục bài viết
Thổ Công là gì?
Thổ Công hay còn được gọi bằng nhiều tên khác như Thổ Địa, Thổ Địa Công, Ông Địa, Thổ Thần hay Xã Thần. Đây là một vị thần được thờ cúng trong tín ngưỡng của người Châu Á. Thổ Công là vị thần chuyên cai quản một vùng đất nào đó, trông coi nhà cửa, định đoạt họa phúc của một gia đình. Trong truyền thuyết miêu tả rằng, Thổ Công là vị thần thích đùa nghịch với trẻ con và thích ăn tỏi. Vì vậy mà người ta thường dâng tỏi lên bàn thờ của vị Thổ Công mỗi dịp trọng đại.
Người Việt có câu: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá” nên phàm là những việc liên quan đến đất đai như: xây nhà, đào ao, đào giếng, mở vườn, mở ruộng, đào huyệt… thì người dân sẽ tổ chức lễ cúng thần Thổ Công.
Với người Việt Nam, người ta thường dùng từ Ông Địa để gọi Thổ Công. Trong ấn tượng của người Việt, Ông Địa là một vị thần thân thiện, dễ gần, thân hình mập mạp, bụng to, ăn mặc xuề xòa, thường xuyên không mặc áo, tay cầm quạt lá, lúc nào cũng vui vẻ, cười nói nên rất được trẻ em yêu thích. Ông Địa trong tín ngưỡng của người Việt thường xuất hiện bên con lân nên người ta cho rằng, Ông Địa có năng lực cân bằng và thuần hóa kỳ lân – con vật mang đến điềm tốt lành.
Thổ Công là vị thần trong tín ngưỡng thờ cúng của người dân Việt Nam (Ảnh: Internet)
Truyền thuyết về Thổ Công
Có rất nhiều truyền thuyết xoay quanh nguồn gốc của Thổ Công. Trong đó, giả thuyết cho rằng Thổ Công cùng với Táo Quân trong câu chuyện về “Sự Tích Táo Quân” lý giải về nguồn gốc 3 vị thần được nhiều người tin và lưu truyền rộng rãi trong dân gian.
Câu chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa có hai vợ chồng nghèo khổ. Trong một năm mất mùa, người chồng đành phải đi làm ăn xa để chăm lo cho gia đình nhưng đi một hơi liền không thấy người chồng trở về. Người vợ ở nơi quê nhà đành để tang chồng rồi kết duyên với một người khác.
Ngày nọ, khi người chồng mới đi làm đồng, người chồng cũ bỗng nhiên trở về nhà. Người vợ và người chồng cũ nhận ra và xúc động ôm lấy nhau. Lúc bấy giờ, người chồng mới vì ra ruộng quen mang phân bón nên trở về nhà lấy. Người vợ sợ chồng mới hiểu lầm bèn bảo chồng cũ trốn vào đống rơm. Nhưng chẳng may, người chồng mới đang cần tro bón phân nên đã châm lửa đốt đống rơm, vô tình thiêu chết người chồng cũ.
Người vợ thấy chồng cũ chết oan, đau lòng nhảy vào đống lửa chết cùng. Người chồng mới lại thương vợ nên cũng nhảy vào lửa chết theo. Sau đó, Ngọc Hoàng cảm động về tình cảm của ba người sống có tình có nghĩa nên đã quyết định phong họ làm thần để ở bên nhau mãi mãi. Trong ba người, chống mới là Thổ Công, chồng cũ là Thổ Địa và người vợ là Thổ Kỳ.
Ý nghĩa của việc thờ cúng Thổ Công
Thờ cúng Thổ Công từ lâu đã trở thành một tập tục không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt. Thờ cúng Thổ Công mang đến cảm giác về sự yên ổn trong cuộc sống. Với vai trò là vị thần cai quản đất đai, nên thờ cúng Thổ Công sẽ giúp cho những công việc liên quan đến đất đai, nhà cửa gặp nhiều thuận lợi và may mắn về sau. Phần đất đai, khuôn viên của gia đình nằm trong phạm vi cai quản của vị thần Thổ Công sẽ không bị ma quỷ quấy rối, hạn chế được điềm hung và xui.
Thờ cúng Thổ Công sẽ giúp cho những công việc liên quan đến đất đai, nhà cửa gặp nhiều thuận lợi và may mắn (Ảnh: Internet)
Phân biệt Thổ Công với Thần Tài
Điểm giống nhau giữa Thổ Công và Thần Tài
- Đều là những vị thần không có thực, sống trong tâm linh, tín ngưỡng của người dân, hướng người dân đến những điều tốt lành, thiện lương.
- Về ngoại hình, đều là những vị thần có thân hình to lớn, mập mạp, phần bụng rất to.
- Về tính cách, Thổ Công và Thần Tài gần gũi, bình dị và đều yêu thích trẻ em.
Điểm khác nhau giữa Thổ Công và Thần Tài
- Thần Tài là vị thần có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa, du nhập vào Việt Nam. Thần Tài là vị thần phù trợ cho việc buôn may bán đắt nên thường được các thương gia thờ cúng. Thổ Công là vị thần bản địa của người Việt, phù trợ cho công việc nhà cửa, mùa màng bội thu.
- Về trang phục, Thổ Công gắn liền với chiến quạt nan, quần áo giản dị và thường lộ ra phần bụng. Thần Tài lại khoác lên mình chiếc áo gấm nạm ngọc ngà châu báu, có bộ râu dài, tay thường cầm tiền vàng.
- Về bàn thờ của hai vị thần cũng có sự khác biệt, bát hương thờ Thổ Công bắt buộc phải có trên bàn thờ của các gia đình. Bàn thờ cúng của Thần Tài không bắt buộc, có thể làm một khám thờ, đặt ở góc nhà dành riêng cho vị thần này.
Thổ Công (bên trái) và Thần Tài (bên phải) (Ảnh: Internet)
Cách thờ cúng Thổ Công
Thổ Công là vị thần bảo vệ và mang đến hạnh phúc nên ngày nay mỗi gia đình đều có một bàn thờ Thổ Công. Lễ cúng Thổ Công thường được tổ chức vào ngày 1 và 15 hằng tháng. Vào những ngày này, người ta thường cúng đồ chay như vàng, hương, đèn, trầu cau, bánh trái. Ngày 23 tháng Chạp hằng năm, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm lễ cúng tươm tất, ngoài đồ chay còn chuẩn bị thêm rượu, xôi, gà để dâng lên Thổ Công.
Bàn thờ Thổ Công gồm hương án, đặt trên hương án là mâm nhỏ giống như trên bàn thờ gia tiên, trên cùng là ba đài rượu có nắp đậy. Khi cúng lễ, bạn chuẩn bị 3 chiếc cỗ mũ, gồm 1 mũ nữ và 2 mũ nam, kèm theo đó là áo và vàng giấy. Đằng trước bàn nhỏ là bình hương, đỉnh trầm, đôi nến và ống hương. Vì Thổ Công là vị thần cai quản đất đai nên người ta thường lập bàn thờ trên mặt đất với ngụ ý đất về với đất.
Thổ Công là vị thần quan trọng trong văn hóa thờ cúng của người dân Việt Nam. Vì vậy, tìm hiểu rõ về vị thần này và cách thờ cúng đúng sẽ giúp bạn và gia đình được phù hộ hạnh phúc tràn đầy, gia đạo bình an, gia đình tài lộc may mắn đồi dào.